Tổng quan chung thị trường trái phiếu Việt Nam

Thị trường trái phiếu Việt Nam hình thành từ những năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, thị trường trái phiếu đã phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách và doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ cấp Luật, Nghị định đến Thông tư hướng dẫn.

1. Thị trường trái phiếu Chính phủ

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu (i) là kênh huy động vốn hiệu quả cho NSNN và (ii) là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính. Theo đó, thị trường TPCP Việt Nam đã từng bước phát triển để đảm nhiệm được cả 2 mục tiêu này.

– Về mục đích phát hành: TPCP do Bộ Tài chính phát hành nhằm mục đích huy động vốn cho NSNN.

– Về kế hoạch phát hành: Kế hoạch phát hành TPCP được Kho bạc Nhà nước công bố hàng năm. Ngoài ra, tại thời điểm đầu quý, KBNN công bố khối lượng phát hành dự kiến trong quý chia theo từng kỳ hạn để các nhà đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia vào các phiên phát hành TPCP.

– Về phương thức phát hành: TPCP được phát hành theo các phương thức (i) đấu thầu (ii) bảo lãnh (iii) bán lẻ. Sau khi phát hành, TPCP được đăng lý, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và niêm yết, giao dịch tại Sở GDCK nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu. Hiện tại, chủ yếu TPCP được phát hành theo hình thức đấu thầu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

– Về nhà tạo lập thị trường:  Nhà tạo lập thị trường là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành TPCP, trái phiếu chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu để mua trái phiếu cho chính mình hoặc mua cho khách hàng. Hàng năm, Bộ Tài chính đánh giá, xếp hạng về mức độ tham gia của nhà tạo lập thị trường theo các tiêu chí: (i) tình hình tài chính doanh nghiệp, (ii) sự tham gia trên thị trường sơ cấp (iii) sự tham gia trên thị trường thứ cấp. Căn cứ vào báo cáo của nhà tạo lập thị trường , cơ sở dữ liệu, các tiêu chí xếp hạng và tỷ trọng đánh giá của từng tiêu chí đã công bố, Bộ Tài chính thực hiện đánh giá và xếp hạng nhà tạo lập thị trường. Kết quả đánh giá, xếp hạng nhà tạo lập thị trường được công bố trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.

2. Thị trường trái phiếu chính phủ bảo lãnh

Thị trường trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là kênh huy động vốn cho (i) các doanh nghiệp (ii) ngân hàng chính sách của nhà nước và (iii) tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 32, Điều 33 của Luật Quản lý nợ công.

– Hiện tại, đối tượng phát hành TPCPBL chủ yếu trên thị trường trong nước là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước.

Về phương thức phát hành:

+ Doanh nghiệp phát hành TPCPBL theo phương thức: đấu thầu, bảo lãnh, đại lý, bán lẻ (chỉ đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng). Việc tổ chức phát hành TPĐCPBL của doanh nghiệp thực hiện theo quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

+ Các NHCS phát hành TPĐCPBL theo phương thức đấu thầu, đại lý và được áp dụng quy trình, thủ tục về phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu, đại lý để phát hành TPĐCPBL.

Hiện tại, các NHCS chỉ thực hiện phát hành TPĐCPBL theo phương thức đấu thầu tại Sở GDCK Hà Nội; theo đó, chỉ có thành viên đấu thầu được tham gia vào các phiên phát hành TPĐCPBL theo phương thức đấu thầu, thành viên đấu thầu có thể mua cho chính mình hoặc mua cho khách hàng. TPĐCPBL sau khi phát hành được đăng lý, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và niêm yết, giao dịch tại Sở GDCK.

3. Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương

Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương là kênh huy động vốn cho chính quyền địa phương.

Về mục đích phát hành: Trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành để đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Về phương thức phát hành: TPCQĐP được phát hành theo phương thức: đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành. Hiện tại, các địa phương thường phát hành trái phiếu theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh phát hành. Sau khi phát hành, TPCQĐP được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán và được niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán theo yêu cầu của chủ thể phát hành.

4. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo 2 hình thức, gồm (i) phát hành ra công chúng (ii) phát hành riêng lẻ.

– Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ:

+ Mục đích phát hành: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để (i) Đầu tư cho các chương trình, dự án (ii) Tăng quy mô vốn hoạt động (iii) Tái cơ cấu nợ.

+ Về phương thức phát hành: trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo một trong ba phương thức: đấu thầu, bảo lãnh; bán lẻ (chỉ đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng).

– Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, điều kiện chào bán, hồ sơ đăng ký chào bán thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định 60/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.

Nguồn: Cổng thông tin bộ tài chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *